Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu máy CNC Đài Loan cao nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ấn Độ, Nhật…
Máy CNC Đài Loan chiếm 40% thị phần Việt Nam
Là một công ty liên doanh Việt Nam – Nhật Bản nhưng Công ty TNHH Kiwa Industry, chuyên sản xuất và gia công chi tiết máy chính xác cho hệ thống máy đóng gói tự động, máy truyền băng tải, máy hấp, ủi, máy ép nhựa, vẫn chọn sử dụng phần lớn máy công cụ (máy CNC) Đài Loan.
Ông Lê Tấn Hưng – Giám đốc Kiwa Industry nhận xét, máy công cụ Đài Loan đáp ứng được tiêu chuẩn gia công sản phẩm để xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản. Ngoài ra, giá thành cạnh tranh, chính sách bán hàng hấp dẫn và dịch vụ bảo trì, sửa chữa nhanh chóng cũng là những yếu tố khiến công ty quyết định chọn máy công cụ Đài Loan.
Chất lượng của một máy công cụ không chỉ phụ thuộc vào khả năng gia công chính xác mà còn nằm ở năng suất (trong một giờ có thể làm ra bao nhiêu sản phẩm), ở chi phí sản xuất ra một sản phẩm, …
Với sự kết hợp hài hòa nhiều yếu tố từ chất lượng, giá cả, cho đến dịch vụ hậu mãi, linh kiện dễ thay thế thì máy công cụ Đài Loan hiện đang chiếm ưu thế với khoảng 40% thị phần tại Việt Nam, so với 30% đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và 20% từ các nước còn lại.
Nhận định này cũng được một giám đốc công ty chuyên cung cấp các loại máy phay CNC, tiện CNC, máy mài, máy khoan tarô, máy EDM của Đài Loan chia sẻ.
Các yếu tố tạo nên vị thế dẫn đầu của ngành máy CNC Đài Loan
Giải thích về vị thế này, các chuyên gia về máy công cụ cho rằng nền Công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp cơ khí nói riêng đang từng bước phát triển và hội nhập với nền công nghiệp thế giới.
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như sự cạnh tranh chất lượng của sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đầu tư thiết bị, nâng cao sản xuất và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Họ cho rằng sản phẩm hàng tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng và sáng tạo, trong khi vòng đời sản phẩm bị rút ngắn lại. Máy móc để tạo ra sản phẩm do đó cũng chịu những áp lực về năng suất cao, hiệu quả cao và khả năng tùy biến cũng phải cao.
Trước cơ hội và thách thức này, ngành sản xuất máy công cụ Đài Loan đã nhanh chóng tìm tòi, sáng tạo nhằm đáp ứng sự thay đổi đó dựa trên 6 thế mạnh: mức độ hiểu biết công nghệ, độ chính xác, sức sáng tạo, uy tín, công nghệ hiện đại và sự nhạy bén thị trường.
Được biết, tính riêng bốn tháng đầu năm 2016, Đài Loan xếp thứ ba trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với 39 dự án cấp mới và 25 lượt điều chỉnh vốn. Tổng giá trị đầu tư đạt khoảng 664 triệu USD. Phần lớn dòng vốn đầu tư từ Đài Loan chảy vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo máy công cụ.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu máy công cụ Đài Loan cao nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Nhật và Nga.
Sự kiện triển lãm MTA Vietnam 2017 về lĩnh vực máy công cụ, máy CNC Đài Loan, cơ khí chính xác và gia công kim loại diễn ra từ 4-7/7/2017 tại SECC (Q7, TP. HCM), ngành máy công cụ Đài Loan được kỳ vọng tiếp tục mang đến những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, trong đó tập trung vào sự tăng cường mức độ chính xác và tối ưu hóa năng suất cho các dòng sản phẩm như máy phay CNC, máy tiện CNC, máy cắt dây CNC, dây chuyền sản xuất tự động, robot công nghiệp, robot hàn, và máy in 3D.