Nội dung chính
Máy CNC Đài Loan đang dần trở thành sự lựa chọn số một của khách hàng Việt Nam bởi chất lượng, độ ổn định trong gia công, sản xuất và năng lực chế tạo, sự tận tình, trách nhiệm của nhà cung cấp với chế độ bán hàng và các dịch vụ hậu mãi.
BKMech xin dẫn nguồn từ một bài viết của baomoi. com cung cấp đến bạn đọc những con số minh chứng cho điều đó.
Theo báo cáo khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Gardner, năm 2013, tổng sản lượng xuất khẩu máy công cụ CNC Đài Loan đạt 3, 548 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 4 trên thế giới sau Đức, Nhật và Ý. Giá trị xuất khẩu tiếp tục gia tăng trong năm 2014 và 2015. Vì sao Đài Loan với diện tích và dân số khiêm tốn lại có thể phát triển mạnh ngành máy công cụ như vậy?.
Dưới đây là một vài nét phác họa được ghi nhận, tổng hợp từ chuyến tham quan những nhà sản xuất máy công cụ hàng đầu tại Đài Loan gần đây của chúng tôi – một nhóm nhà báo từ khu vực Đông Nam Á. Dù chỉ là một chuyến đi kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, nhưng hy vọng những nét chấm phá ấy có thể phần nào đưa ra lời giải đáp.
60 km Thung lũng Vàng phục vụ ngành chế tạo máy công cụ
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành máy công cụ Đài Loan rất tự hào về “60 km Thung lũng Vàng (60 km Golden Valley)” trải dài từ quận Shengang ở thành phố Đài Trung (Taichung) đến quận Fangyuan thuộc thành phố Nam Đầu (Nantou).
Nơi đây đã hình thành một cụm công nghiệp xoay quanh ngành máy công cụ với hơn 1. 000 nhà sản xuất chính và khoảng 10.000 nhà máy vệ tinh bao quanh, hình thành một chuỗi cung ứng trong ngành. Chính cụm công nghiệp này là yếu tố rất quan trọng đứng sau sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của ngành máy công cụ Đài Loan.
Thử hình dung, với hạ tầng giao thông cho phép các xe di chuyển trung bình 100 km/giờ, chỉ chưa đến một giờ đặt hàng, một nhà máy đã có thể nhận được tất cả đơn hàng mà mình đặt. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển, qua đó giúp tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Đài Loan so với đối thủ trong thị trường xuất khẩu.
Để có thêm cái nhìn cụ thể về lợi thế của cụm công nghiệp, ông Chris Wu, Giám đốc phòng Kinh doanh quốc tế công ty LITZ – một doanh nghiệp chuyên cung cấp các máy trung tâm gia công (machine center) – phân tích một trường hợp giả định, rằng cho dù LITZ có đặt nhà máy ở một quốc gia nào khác có chi phí lao động thấp hơn Đài Loan thì tính tổng chi phí sản xuất vẫn cao hơn bởi chi phí đội lên từ chuỗi cung ứng sản phẩm.
“Bạn sẽ không tìm thấy ở đâu một cụm công nghiệp đặc biệt như tại vùng đất này của chúng tôi”, ông Chris nhấn mạnh.
Xin được nói thêm rằng các doanh nghiệp Đài Loan dùng từ cụm công nghiệp (industrial cluster) thay vì khu công nghiệp (industrial park) bởi trong cụm công nghiệp, tất cả các nhà máy cùng nhau tạo thành một hệ sinh thái có mối liên kết chặt chẽ cùng nhau, qua đó, tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Quan điểm này rất khác với một khu công nghiệp khi ngay cả một công ty thực phẩm vẫn có thể đứng cạnh một nhà máy thép.
Luôn đổi mới sáng tạo
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các doanh nghiệp Đài Loan dành nhiều nguồn lực, 3-5% doanh thu mỗi năm, cho đổi mới sáng tạo.
Mở brochure của Deta – một công ty chuyên sản xuất thiết bị thay dao tự động (Automatic tool changers – ATC), ngay trang đầu, bạn sẽ thấy công ty có 180 nhân viên thì đã có 15 người thuộc phòng nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính đội ngũ này giúp Deta đưa ra 10 dòng sản phẩm mới mỗi năm. Có thể thấy các doanh nghiệp Đài Loan luôn tự hào khi giới thiệu về đội ngũ R&D của họ và họ xem đây là một điểm mạnh cần đưa ra để chinh phục khách hàng.
CHMER – một công ty chuyên cung cấp máy cắt sử dụng tia lửa điện (EDM – Electrical discharge machining) – là một trường hợp thú vị khác. Trao đổi cùng đoàn phóng viên, bà Miga Wang, Trưởng bộ phận Kinh doanh, cho biết, tại Đài Loan, CHMER có tất cả 311 nhân viên thì phòng R&D có 31 người, gấp rưỡi phòng dịch vụ hỗ trợ với 22 người, gấp gần 8 lần phòng Sales với 4 người.
Chúng tôi có khách hàng ở 55 quốc gia trên thế giới. Mỗi khách hàng có những nhu cầu khác nhau, cần có những dòng máy khác nhau. Điều này bắt buộc chúng phải luôn đổi mới sáng tạo với hàng chục dòng sản phẩm mới đưa ra mỗi năm nhằm phục vụ khách hàng, bà Miga chia sẻ.
Việc đổi mới sáng tạo không những giúp CHMER cạnh tranh trên thị trường mà còn tăng sự gắn kết của nhân viên. “Nhân viên không có thời gian để nghĩ về công việc mới và cũng không cần phải tìm công việc mới vì công việc của chúng tôi luôn luôn mới theo thời gian”, bà Wiga lý giải.
Chú trọng dịch vụ khách hàng
Bên cạnh đổi mới sáng tạo, dịch vụ khách hàng là phần được các công ty Đài Loan rất quan tâm.
Quay lại câu chuyện của CHMER, tại sao công ty này chỉ có 4 nhân viên kinh doanh nhưng có đến 22 nhân viên ở phòng dịch vụ hỗ trợ? Về câu hỏi này, bà Miga chia sẻ nhân viên kinh doanh có thể giúp công ty bán được một sản phẩm, có được một khách hàng, nhưng để có được đơn hàng thứ hai hoặc khách hàng kế tiếp thì dịch vụ khách hàng luôn là điều rất quan trọng.
Cùng chung triết lý vì khách hàng, bà Olivia Chen, đại diện Công ty Honor Seiki chuyên về máy tiện đứng CNC (CNC vertical lathe), kể một câu chuyện khác để mình họa. “Trong trường hợp thiết bị của khách hàng bị sự cố vì cấu kiện nào đó bị hỏng và tạm ngưng hoạt động, chúng tôi sẽ tìm ngay cấu kiện khác trong hệ thống quản lý kho để cung cấp. Nếu không còn hàng tồn kho, chúng tôi sẵn sàng tháo cấu kiện đang dùng trong một máy sẵn có tại nhà máy để cung cấp cho khách hàng”, bà Olivia chia sẻ.
Hợp tác trong cạnh tranh giữa các nhà cung cấp máy công cụ của Đài Loan
Mặc dù giữa các doanh nghiệp Đài Loan có sự cạnh tranh gay gắt về khách hàng và thị trường, nhưng giữa họ vẫn có sự hợp tác nhằm cùng giúp nhau phát triển.
Liên minh các nhà sản xuất máy công cụ (M – Team Alliance) với sự tham gia của hàng trăm thành viên trong ngành là một ví dụ tiêu biểu. Trao đổi cùng đoàn phóng viên, ông Chris chia sẻ về một trong số nhiều hoạt động của M- Team, đó là hàng tháng tổ chức một tour tham quan mang tên TPS Show (Toyota Production System Show). Có thể thấy rằng với các doanh nghiệp sản xuất Đài Loan, việc học hỏi và áp dụng hệ thống quản lý sản xuất theo phương thức của Toyota được đánh giá rất cao.
Cứ mỗi tháng, M-Team sẽ thăm một công ty và họ cùng nhau trao đổi về những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình triển khai TPS. Từ đó, rút ra những bài học điều chỉnh cho dây chuyền sản xuất của mình nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh.
Ngoài M-Team, Đài Loan còn nhiều liên minh khác như I-Team (Intelligent R&D institutions–các viện nghiên cứu thông minh), A-Team (Aerospace companies – các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không)… Và giữa các team này còn có chương trình liên kết để cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Một ví dụ khác tiêu biểu cho hợp tác đó là sự bắt tay giữa hai công ty Honor Seiki và Tong-Tai, một tập đoàn lớn tại Đài Loan chuyên sản xuất máy tiện, máy phay, trung tâm gia công CNC.
Honor Seiki là được thành lập từ năm 1987 với thế mạnh chuyên môn về máy tiện đứng CNC (CNC vertical lathe). Mặc dù rất mạnh về kỹ thuật nhưng do thiếu đòn bẩy tài chính, Honor Seiki vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và phát triển công ty cho đến khi họ hợp tác cùng Tong-Tai vào năm 2004.
Một điểm đáng chú ý trong mối gắn kết này, theo bà Olivia Chen, Trợ lý Chủ tịch Honor Seiki, đó là chuyện chủ tịch hai công ty chỉ gặp nhau đúng hai lần để thảo luận. Lần đầu bàn về cơ hội hợp tác, lần thứ hai bàn về câu chuyện tài chính, tỷ lệ cổ phần, giá bán. Sau khi đầu tư, Tong-Tai hoàn toàn không can thiệp vào định hướng hoạt động của Honor Seiki.
Năm 2015, Honor Seiki bán hơn 500 chiếc máy tiện CNC với đơn giá dao động từ 80.000 đến 2 triệu đô la Mỹ, tùy kích thước. Trong danh sách khách hàng của họ có nhiều khách hàng lớn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như Space X, Barnes Aerospace, GE, Mitsubishi,… Honor Seiki sẽ khó có thành quả như ngày nay nếu không hợp tác cùng Tong-Tai – bà Olivia chia sẻ.
Không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực
Ngành máy công cụ Đài Loan không thể phát triển như ngày hôm nay chỉ trong vài năm.
Tất cả đều dựa trên nền tảng tích lũy trong một thời gian dài từ quá khứ khi cách đây 60 năm, Nhật Bản đã có những dự án hợp tác cùng Đài Loan trong ngành máy công cụ.
Có thể thấy rất rõ nét tinh thần kỷ luật, quản trị khoa học được các doanh nghiệp Đài Loan học từ người Nhật. Tham quan các nhà máy ở Đài Loan, khách sẽ dễ dàng nhận thấy 5S, KAIZEN, TPS… được chú trọng áp dụng xuyên suốt. Hay ngay như tên doanh nghiệp, Honor Seiki chẳng hạn, chữ Seiki là một từ Nhật, mang nghĩa chính xác; hoặc như trường hợp của Aristech, một công ty nằm tốp trong lĩnh vực máy cắt EDM, chuyên gia trong lĩnh vực EDM.
Không chỉ học từ người Nhật, ngày nay nhiều doanh nghiệp Đài Loan cũng tích cực hợp tác cùng những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành từ Đức và Thụy Sĩ. Họ sẵn sàng nhận đơn hàng gia công để qua đó nâng cao năng lực kỹ thuật.
Và cuối cùng, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến vai trò của những nhà lãnh đạo Đài Loan. Đài Loan luôn có những chương trình dài hạn để hỗ trợ thúc đẩy ngành máy công cụ phát triển. Ví dụ dễ thấy gần nhất là chương trình hỗ trợ quảng bá ngành công nghiệp này ra thế giới trong 4 năm từ 2014-2017 thông qua việc mỗi năm đều đặn 3-4 lần mời các cơ quan truyền thông quốc tế đến tham quan các nhà máy tại đây.